TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có xu hướng gia tăng, tại các Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế Sóc Sơn mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca bệnh có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, trong đó không ít trường hợp được chuẩn đoán xác định và có biến chứng.
Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính do virus gây ra, bệnh phát triển mạnh từ mùa hè đến cuối thu. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, dễ lây lan trong cộng đồng và phát triển
thành dịch. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như: nói chuyện, ôm, bắt tay; tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng nhiễm mầm bệnh: khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa…
Biểu hiện của bệnh: mắt đỏ, ngứa, cộm trong mắt; mắt có nhiều ghèn; mi mắt sưng nề, mọng, đau nhức, chảy nước mắt. Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch ở sau tai.
Hiện nay, cũng là thời điểm các em học sinh mới bước vào năm học, là môi trường thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan thành dịch trên diện rộng. Do đó, khuyến cáo cách phòng bệnh như sau:
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hoặc nước sát khuẩn tay nhanh.
- Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt và lông mi sẽ làm vi khuẩn xâm nhập vào lọ thuốc.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi mắc đau mắt đỏ.
- Khi học sinh có dấu hiệu nghi ngờ mắc đau mắt đỏ cần cho trẻ nghỉ học để chăm sóc điều trị.
Bệnh đau mắt đỏ hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do đó người dân cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng nêu trên để bảo vệ sức khỏe. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.